5 Quan Điểm Sai Lầm Về Võ Tổng Hợp MMA

MMA là môn võ tổng hợp thực chiến cao, tuy nhiên nếu có những suy nghĩ sai lầm này, người học khó có thể tiến xa. Vậy đó là gì, các bạn hãy cùng MMA GYM FITNESS CENTER phân tích qua bài viết này.

Mặc dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam những năm gần đây, nhưng võ tổng hợp MMA tạo ra một sức hút rất lớn, số lượng người tham gia học võ MMA ngày càng đông. Vào đầu những năm 2010, gần như không có phòng tập MMA nào trên phạm vi cả nước thì nay đã có không ít bạn trẻ tự tin cho biết họ đang tập luyện môn võ thuật đối kháng thực chiến bậc nhất thế giới.

Mặc dù nhìn nhận sơ lược qua các giải đấu võ tổng hợp MMA, chúng ta có thể thấy rằng MMA có rất ít luật, rất ít hạn chế. Nhưng việc này không có nghĩa MMA là môn võ dễ dàng với người mới. Vẫn có những quan điểm sai rất phổ biến mà người mới học MMA dễ mắc phải.

1. Biết nhiều môn võ thì sẽ giỏi MMA

MMA là môn võ kết hợp nhiều chiêu thức của các môn võ khác nhau, chủ yếu được chia làm 3 thành phần:

  • Striking (Đánh đứng): gồm các đòn đấm, đá từ Muay Thái, quyền Anh, Karate, Taekwondo, Tán thủ, Pencak Silat, Thiếu Lâm, Vịnh Xuân…
  • Wrestling (Vật): gồm các cách kềm chế đối phương bằng nắm, kéo, đè…nhưng không được đấm đá trực tiếp như vật tự do Freestyle wrestling, vật Greco-Roman…
  • Grappling (Khóa siết): gồm các cách khống chế đối thủ bằng cách quật ngã xuống sàn (takedown), khóa (clinch), siết (submission hold) như Brazilian Jiu-jitsu, Judo, thay đổi vị trí trên dưới (transition)…

Từ ngữ võ tổng hợp khiến nhiều người nghĩ rằng nếu có căn bản từ nhiều môn võ khác nhau như Thiếu Lâm, Karate, Taekwondo…thì sẽ thông hiểu MMA.

Tuy nhiên trên thực tế đây là một suy nghĩ sai lầm. Đối với Striking, thì quả thực đây là ưu thế. Nhưng MMA không chỉ đánh đứng mà còn cả kỹ thuật vật và khóa siết nữa.

Võ sĩ MMA không chỉ học hai ba môn võ bất kì, mà buộc phải tập luyện cả những phần Striking, Wrestling, Grappling và các bài tập thể lực.

2. Bỏ qua các kỹ thuật địa chiến

Sai lầm này thường là hệ quả của sai lầm đầu tiên. Quan điểm cũng phổ biến không kém, khi mà khái niệm MMA và địa chiến còn là những khái niệm rất mới trong làng võ Việt Nam. Bản thân Striking với các cú đấm, đá, trao đổi đòn cũng có vẻ bắt mắt hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, thu hút sự chú ý hơn các kỹ thuật địa chiến.

Nhưng nếu chỉ chăm chỉ tập đấm, tập đá, tập di chuyển mà bỏ qua hẳn vật, khóa, siết thì là sai lầm rất lớn.

Dưới mặt đất, khi ngã xuống sàn các võ sĩ đánh đứng hoàn toàn bị vô hiệu. Các cú đấm không còn lực hông tiếp sức, đá không sử dụng được, khó di chuyển…trở lên yếu ớt và nhanh chóng bị các võ sĩ Brazilian Jiu-jitsu kết thúc bằng những đòn khóa siết.

Các võ sĩ quen thuộc Brazilian Jiu-jitsu có thể chủ động kéo đối phương xuống đất để bắt đầu một trận địa chiến với khả năng chiến thắng rất lớn. Ngược lại, các võ sĩ đánh đứng lại không thể khiến đối thủ đứng lên, đấm đá gần như vô dụng.

Vì vậy võ sĩ MMA không nên bỏ qua các kỹ thuật địa chiến. Ngay cả những võ sĩ nổi tiếng đánh đứng như Conor McGregor, Martin Nguyễn…cũng tập khóa siết đều đặn trong khóa tập huấn của họ, không hề lơ là.

3. Bỏ qua các bài tập Gym, tập tạ

Từ xưa đến nay, có một quan điểm phổ biến trong giới võ rằng tập Gym, tập tạ gây cứng cơ, cứng người. Người học võ sợ rằng tập gym, tập tạ sẽ làm mình chậm đi, kém linh hoạt hơn khi tập võ tổng hợp.

Nhưng trong thực tế, những võ sĩ như Mike Tyson, Buakaw, Conor McGregor, Jon Jones…tập thể hình đều đặn, thậm chí tập rất nặng để tăng cường thể lực. Tất cả các võ sĩ đều nên tập gym, nó giúp cơ thể trở nên săn chắc, cơ bắp cuồn cuộn và những pha ra đòn vẫn chớp nhoáng, nhanh gọn chứ không hề bị cứng cơ.

Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Việc tập gym với mục đích body building, cụ thể là các bài tập chỉ để phát triển kích cỡ cơ bắp, có ảnh hưởng một phần tới võ vì nó chủ yếu phát triển nhóm cơ chậm, sức mạnh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ nhanh, trong khi tập võ vẫn cần tốc độ cùng với sự dẻo dai khéo léo.

Trừ phần đó, các bài tập khác như Powerlifting (tập tạ) để tăng sức mạnh và khối cơ, Weightlifting (nâng vật nặng) tăng sức mạnh và tốc độ cho cơ, Fitness vừa cung cấp sức bền, sự dẻo dai và khả năng bung sức là những bài tập rất tuyệt vời cho người học võ.

Tóm lại, trong phạm vi luyện tập để khỏe hay tự vệ thì những bài tập Gym chẳng có hại mà còn có ích.

4. Dậm chân tại chỗ

Sau vài tuần đầu tiên bước vào tập luyện võ tổng hợp MMA, có nhiều lý do khiến người tập chững lại và dậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân do tâm lý sợ hãi là phổ biến, ví dụ như sợ gặp chấn thương, sợ mệt, sợ không tập được các kỹ thuật khó, sợ thua kém khi bước vào sân chơi lớn hơn…

Dậm chân tại chỗ tuy không phải là việc nguy hiểm, nhưng nó sẽ khiến người học võ tổng hợp không bao giờ tiến bộ. Lâu dần khiến họ mất đi động lực, mục tiêu tập luyện và từ bỏ phòng tập MMA từ lúc nào chẳng hay.

Nếu bạn muốn cải thiện vấn đề này, hãy thay đổi bản thân mình. Liên tục đặt ra những mục tiêu cụ thể, ngắn hạn cho bản thân để tiếp tục cố gắng. Chịu khó đối luyện với huấn luyện viên, với các bạn tập trình độ cao hơn. Tìm kiếm những người bạn tập tích cực.

Đánh bại nỗi sợ hãi, hãy thách thức bản thân mình thật nhiều để loại bỏ được các rào cản trên con đường luyện tập.

5. Quá nóng vội

Đây là quan niệm trái ngược với “dậm chân tại chỗ”, người tập luyện kỳ vọng quá cao vào bản thân.

Rất nhiều võ sĩ tập luyện MMA đổ mồ hôi sôi nước mắt, tập hùng hục, luôn hy vọng hôm nay sẽ khác rõ so với hôm qua, tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt và yêu cầu thật khắc nghiệt với bản thân.

Võ sĩ chuyên nghiệp như Georges St-Pierre có những yêu cầu cực kỳ hà khắc với bản thân. Lượng ăn của GSP được tính bằng cốc đo. Anh tập 3 ca mỗi ngày, từ sáng đến đêm, với những bài tập thể lực khắc nghiệt bậc nhất.

Nhưng điều đó không phù hợp với những người mới học võ tổng hợp MMA được một hai tháng. Lịch tập luyện quá dày, quá nặng dễ dẫn đến chấn thương, lúc này cơ thể thậm chí còn chưa thích nghi hoàn toàn. Điều này đôi khi sẽ đánh mất cả tương lai của người tập võ.

Làm cách nào để biết mình có đang tập quá sức ? Người học võ có thể theo dõi nhịp tim của bản thân ở một thời điểm nghỉ ngơi cố định trong ngày. Mức tăng 10 nhịp trên phút hoặc lớn hơn chứng minh rằng ngày hôm đó đã tập quá nặng. Ngoài ra, khi tập luyện MMA cũng nên dành thời gian nghỉ khi cảm thấy mình có sức ép tâm lý về việc tập võ.

Huấn luyện viên Javier Mendez, người nổi tiếng trong giới huấn luyện viên của các võ sĩ như Daniel Cormier, Khabib Nurmagomedov cho rằng trong một hoặc hai năm đầu tập MMA, các bạn trẻ không cần thiết phải vội vàng.

Điều quan trọng nhất là giữ mình ở thể trạng tốt và tập luyện thường xuyên. Hãy tập võ để trở thành bản năng, rồi điều gì đến cũng sẽ đến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *